Sản phẩm nổi bật

TRUNG NGUYÊN

Lượt truy cập
  • 33
  • 711
  • 4,087,235

Truyền hình “đau đớn” vì nạn vi phạm bản quyền trên môi trường số

  02/01/2018
Năm 2017, một trong những tồn tại lớn của ngành truyền hình đó là hầu hết các đài truyền hình lớn phải đối mặt với nạn vi phạm bản quyền trên Internet. Vấn đề này gây thiệt hại rất lớn cho các đài truyền hình cả về vật chất, uy tín và thương hiệu.

Theo báo cáo của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, tình trạng vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình, phim diễn ra trên Internet khá nhức nhối. Năm 2017, Cục đã nhận được đơn yêu cầu hành vi xử lý vi phạm bản quyền của các trang phim online, ứng dụng OTT lậu, thậm chí ngay cả các nhà mạng viễn thông lớn cũng đua nhau vi phạm bản quyền những chương trình ăn khách của nhiều đài truyền hình

Ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long nêu rõ các thủ đoạn vi phạm chủ yếu của các trang mạng. Thông thường một bộ phim khi được phát sóng ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan thì sau 18 giờ kể từ lúc phát sóng sẽ có bản phụ đề được up lên trên các diễn đàn phi lợi nhuận. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của một vài đơn vị có máu mặt ở Việt Nam thì thời gian này càng được rút ngắn vì với quy mô của một công ty lớn có thể tổ chức được các team chuyên nghiệp, chuyên dịch và làm phụ đề cực nhanh, con số này dần được rút ngắn từ 12 giờ cho đến khi chỉ mất 30-60 phút mà thôi.

Đặc biệt, ông Nguyên cho hay, khi có sự tham gia một số "ông lớn" thì sự cạnh tranh đẩy lên mức cao nhất. Họ so kè nhau về thời gian up phụ đề nhằm thu hút người xem từng phút một. Cách thức của các bên là trước tiên sẽ dẫn link cho dân ghiền phim được xem trực tiếp bộ phim đó vào giờ mà kênh nước ngoài đang phát sóng. Sau 15 phút đầu tiên, sẽ bắt đầu làm phụ đề, họ cắt 15 phút đầu tiên đó ra làm 3 đoạn nhỏ, chia cho các team dịch và làm kỹ thuật, sau đó lần lượt up. Quá trình đó được lặp lại cho đến hết giờ chiếu. Sau 3h kể từ lúc phát sóng xong, họ sẽ up bản hoàn chỉnh sau khi nối lại các đoạn nhỏ ở phía trước. Như vậy, chỉ cần vào xem chậm hơn 15 phút so với giờ phát sóng chính thức ở nước ngoài là bạn có thể xem phụ đề của tập phim đó đang được up dần hoặc xem được một tập hoàn chỉnh.

Bằng cách thức trên tất cả các bộ phim đình đám trong 2-3 năm trở lại đây đều được khai thác triệt để, từ Hàn Quốc, Trung Quốc cho đến Thái Lan. Các bộ phim ăn khách được chiếu trước trên website lậu nên nếu các đài truyền hình mua về phát lại thì hiệu quả sẽ không được như kỳ vọng.

"Sống chung với mẹ chồng" là bộ phim truyền hình bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng trên YouTube.

Cũng theo ông Nguyên, một số chương trình của Truyền hình Vĩnh Long đặc biệt là các chương trình giải trí và phim truyện đã bị một số công ty, đơn vị viễn thông sử dụng trái phép để cung cấp đến người dùng thông qua các trang mạng xã hội và các website xem phim trực tuyến nhằm kinh doanh, thu lợi từ hoạt động quảng cáo. Điều này gây thiệt hại lớn cho Đài trong việc khai thác nội dung chương trình và khai thác nguồn thu, vì Đài phải đầu tư kinh phí rất lớn để sản xuất chương trình và mua bản quyền phát sóng. Bên cạch đó, việc các đơn vị vi phạm bản quyền các phim nước ngoài bằng cách làm phụ đề rồi phát lại trên Internet như đã nêu gây khó khăn không nhỏ cho các nhà đài trong việc mua nội dung. Nếu không kiểm tra kỹ có thể mua nhầm những phim đã bị các đơn vị vi phạm bản quyền phát sóng trước đó. Đài truyền hình Vĩnh Long còn phải bố trí nguồn lực và đầu tư công nghệ theo dõi giám sát nhằm bảo vệ bản quyền, thay vì tập trung để đầu tư sản xuất chương trình có nội dung, chất lượng tốt phục vụ người xem.

Ngoài ra, chất lượng hình ảnh các web hoặc App lậu không được tốt, làm ảnh hưởng xấu trải nghiệm của người dùng đến chương trình gốc, gián tiếp ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nhà tài trợ và kênh truyền hình của nhà đài. Các nhà đài phải đối mặt với mức phạt của đơn vị giữ format gốc do để chương trình bị đánh cắp. Thêm vào đó, các trang web lậu thường đi kèm quảng cáo sex, có gắn mã độc gây nguy hại cho người sử dụng.

Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền cho biết, trước tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực truyền hình đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng. Các thành viên Hiệp hội đã lập bộ phận chuyên trách thường xuyên tiến hành theo dõi để phát hiện và thu thập chứng cứ các hành vi xâm phạm bản quyền nội dung kênh, chương trình truyền hình. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ, tìm địa chỉ và liên lạc với những đối tượng xâm phạm bản quyền gặp không ít khó khăn. Đặc biệt đối với các trang thông tin điện tử có tên miền nước ngoài nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng của Việt Nam.

Theo ông Cường, hành vi vi phạm bản quyền rất đa dạng có nhiều hình thức khác nhau và ngày một tinh vi, ví dụ như: Download từ trang chính thống rồi up lại trên YouTube, Facebook hoặc trên những trang mạng lậu, đây là hình thức phổ biến nhất. Qua mặt hệ thống rà soát bản quyền tự động của YouTube như làm nhỏ khung hình, bóp méo tiếng, xoay đối xứng khung hình... Hay lấy tín hiệu trực tiếp các kênh truyền hình của nhà đài mà không xin phép sau đó đóng gói dịch vụ và đem bán lại cho người xem, hoặc phát để thu hút quảng cáo. Tạo Facebook giả mạo các nhà đài, post các chương trình vi phạm bản quyền nhằm thu lợi bất chính. Dẫn link từ Youtube về trang chủ vi phạm bản quyền.

Vi phạm bản quyền không còn trong lãnh thổ Việt Nam nữa, 2-3 năm trở lại đây việc vi phạm bản quyền đối với nội dung nước ngoài càng trở nên tinh vi và có tổ chức rất chuyên nghiệp được thực hiện bởi các đơn vị có tên tuổi.

Theo ông Nguyên, qua một thời gian tự bảo vệ bảo quyền, Truyền hình Vĩnh Long nhận thấy phương thức đó rất khó và không hiệu quả. Mức xử phạt với hành vi vi phạm này còn quá thấp so với lợi nhuận mà các đối tượng thu về. Đó là một trong những lý do khiến tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình vẫn là vấn nạn nhức nhối của thị trường truyền hình trong nhiều năm qua, trở thành một trong những lý do khiến thị trường này phát triển không lành mạnh, cạnh tranh bằng giá là chủ yếu. Hậu quả là lợi nhuận của các doanh nghiệp làm ăn chân chính ngày càng thấp.

Đại diện Hiệp hội Truyền hình trả tiền còn đưa ra kiến nghị, Bộ Công an cần vào cuộc, điều tra xử lý hình sự mới có thể giảm được hành vi vi phạm bản quyền truyền hình.

                                                                                                Đình Anh

Bình luận

Tin tức mới

Xem tất cả