Sản phẩm nổi bật

TRUNG NGUYÊN

Lượt truy cập
  • 2
  • 1433
  • 3,416,436

Doanh nghiệp phát sóng khu vực khó “tham chiến” thị trường cạnh tranh

  11/10/2016

Việc hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình số cạnh tranh khó đạt được trong tương lai gần. Hiện tại hai doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực là SDTV và RTB lo ngại sẽ không thể cạnh tranh nổi nếu các đơn vị như AVG, VTV và VTC tham chiến thị trường.

Vùng phủ sóng của SDTV.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, khi xây dựng Đề án Số hóa truyền hình, Bộ TT&TT đã học theo mô hình của châu Âu đó là sẽ tạo cơ chế để hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng với sự tham gia của các doanh nghiệp khu vực và doanh nghiệp toàn quốc nên khi quy hoạch tần số vẫn quy hoạch theo hướng đó. Khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng sẽ trên cơ sở nguyên tắc kinh tế thị trường. Bộ TT&TT sẽ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để các địa phương căn cứ vào đó khi thỏa thuận đàm phán ký hợp đồng với các công ty truyền dẫn phát sóng.

Theo Quyết định 2451 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường truyền dẫn phát sóng có 3 doanh nghiệp phát sóng toàn quốc là AVG, VTV và VTC, đồng thời sẽ thành lập các doanh nghiệp phát sóng khu vực là SDTV (Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam) và RTB (Công ty CP truyền dẫn phát sóng truyền hình số đồng bằng Sông Hồng).

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại VTV và VTC chưa thành lập doanh nghiệp hạ tầng mạng theo quy định của Luật Viễn thông, do đó hai đơn vị này chưa được phép tham gia cung cấp dịch vụ. Chỉ còn lại AVG và SDTV, RTB là đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

 

 

 

 

 

Khi thực hiện số hóa truyền hình giai đoạn 1, AVG chưa tham gia thị trường do doanh nghiệp này chỉ muốn phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền. Do đó, Nhà nước đã cấp giấy phép và tần số, đồng thời phân công cho hai doanh nghiệp khu vực SDTV (phía Nam) và RTB (phía Bắc) chịu trách nhiệm truyền dẫn các kênh truyền hình thiết yếu khi các địa phương triển khai số hóa truyền hình.

Nhưng mới đây, AVG chính thức tuyên bố sẽ tham gia thị trường truyền dẫn phát sóng, AVG đã có chủ trương phát sóng dịch vụ cho thuê thông qua việc chủ động tổ chức hội thảo tại Bắc Giang để kêu gọi các Đài PT-TH địa phương tham gia phát sóng số DVB-T2 trên hệ thống của AVG.

Việc AVG chính thức tuyên bố tham gia thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình số, (sau này VTV và VTC cũng sẽ tham gia) khiến nhiều ý kiến cho rằng phải xem xét lại nguyên tắc phân công phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu cho các doanh nghiệp khu vực. Bởi vì quyết định phân công phát sóng chưa hẳn đã phù hợp với nguyên tắc xây dựng thị trường cạnh tranh, chưa phù hợp với kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, việc thả nổi cho thị trường truyền dẫn phát sóng hoạt động theo cơ chế thị trường vấp phải sự phản đối khá quyết liệt của hai doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực là SDTV và RTB.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty SDTV cho rằng, kết luận trong phiên họp 8 Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình, Trưởng Ban chỉ đạo đã đồng ý phân công cho 2 doanh nghiệp khu vực phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu địa phương, còn các đơn vị toàn quốc sẽ phát sóng các kênh thiết yếu quốc gia.

 
 

Ông Hòa cho hay, nếu 3 doanh nghiệp toàn quốc (AVG, VTV, VTC) cùng tham gia thị trường cạnh tranh thì 2 doanh nghiệp khu vực sẽ “chết” ngay vì không đài PT-TH nào chọn doanh nghiệp khu vực, với cùng chi phí phát sóng toàn quốc. Khi thành lập doanh nghiệp SDTV tính toán ít nhất 10 năm mới bù đắp đầu tư mà nguồn thu chủ yếu từ dịch vụ truyền dẫn.

Bà Lại Thị Bích, Ủy viên HĐQT công ty RTB cũng cho rằng, khi được cấp phép làm dịch vụ truyền dẫn, RTB đã tính toán đến các trường hợp xảy ra. Nếu Bộ TT&TT không thực hiện phân công phát sóng mà để cho thị trường hoàn toàn quyết định, như vậy thị trường nào tốt, dễ làm thì RTB sẽ đấu thầu còn thị trường nào khó thì dừng. Khi xin cấp phép, RTB xác định sẽ phục vụ phát sóng cho tất cả 14 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có cả những khu vực khó như Quảng Ninh, RTB cũng chuẩn bị sẵn sàng để phủ sóng. Nhưng nếu như nhà nước để thị trường tự do cạnh tranh, RTB sẽ không tham gia phủ sóng Quảng Ninh nữa vì như thế sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư khá nhiều.

Cũng theo bà Bích, việc phân công cho các doanh nghiệp phát sóng có hai mặt: Một mặt là Bộ TT&TT giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp sẽ thực hiện phát sóng các kênh phục vụ nhiệm vụ chính trị cần có những đặc thù và các doanh nghiệp được phân công là RTB và SDTV sẽ cố gắng phục vụ. Nếu hoàn toàn theo cơ chế thị trường thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn những thị trường có lợi ích để làm. Còn lại RTB sẽ chuyển hướng phát sóng các kênh truyền hình trả tiền.

Trước các ý kiến này, ông Đoàn Quang Hoan cho rằng, các doanh nghiệp và các đài PT-TH cần lưu ý rằng quy hoạch tần số không cho phép thay đổi nhanh như vậy. Sẽ không có việc khi hình thành thêm một doanh nghiệp thì sẽ lấy tần số đã cấp cho doanh nghiệp khác để cấp cho doanh nghiệp mới.

Hiện nay, cái khó nhất của các tỉnh khi lựa chọn doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng là không biết áp dụng thế nào với quy định về quản lý tài chính: Theo cơ chế thị trường thông qua đấu thầu hay thực hiện theo sự phân công?

Cho đến thời điểm hiện tại, SDTV không gặp khó khăn khi thương lượng hợp đồng phát sóng với các đài PT-TH ở khu vực Nam Bộ, nhưng RTB lại đang gặp vướng mắc với Đài PT-TH Hải Phòng.

Ông Hoan nhận định, tồn tại lớn nhất của khâu phát sóng là các đài và doanh nghiệp truyền dẫn chưa ký được hợp đồng kinh tế với nhau. Kể cả Đà Nẵng và VTV cũng chưa có hợp đồng kinh tế, mặc dù VTV đã phát sóng số DVB-T2 cho Đà Nẵng hơn 1 năm rồi. VTV không có chủ trương kinh doanh dịch vụ truyền dẫn, nhưng do Bộ TT&TT phân công VTV phải đảm nhận phát sóng cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, VTV không thể phát không cho Đà Nẵng mãi, tồn tại này phải có giải pháp bằng hợp đồng kinh tế.

Ở Hải Phòng cũng vậy, mặc dù RTB đã phát sóng cho Hải Phòng từ tháng 12/2015 tới nay và đầu tư thiết lập 2 trạm phát lại ở vùng lõm sóng của Hải Phòng. Nhưng lãnh đạo Hải Phòng vẫn không muốn lựa chọn RTB phát sóng mà luôn đặt câu hỏi “Tại sao không thuê VTV và VTC”. Trong khi VTC chưa phủ sóng DVB-T2 ở Hải Phòng, còn VTV không phải là doanh nghiệp có quyền cung cấp dịch vụ.

                                                                                                       Khôi Nguyên

Bình luận

Tin tức mới

Xem tất cả