Sản phẩm nổi bật

TRUNG NGUYÊN

Lượt truy cập
  • 7
  • 2524
  • 3,417,527

Số hóa truyền hình qua vệ tinh dễ vướng vấn đề bản quyền

  31/03/2017

Việc kết hợp số hóa truyền hình bằng hai phương thức mặt đất và vệ tinh tại các tỉnh có địa hình phức tạp là giải pháp được lựa chọn, tuy nhiên việc phát sóng không khóa mã kênh truyền hình thiết yếu lên vệ tinh dễ vướng vấn đề bản quyền, cũng như bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Số hóa truyền hình được lựa chọn kết hợp giữa hai phương thức mặt đất và vệ tinh. Ảnh minh họa: Internet

Phát sóng lên vệ tinh dễ vướng vấn đề bản quyền

Lộ trình số hóa truyền hình đã đi được 1 nửa chặng đường, với 13 tỉnh, thành đã hoàn thành tắt truyền hình analog chuyển sang phát sóng truyền hình số DVB-T2, với 50% dân số cả nước đã nằm trong vùng phủ sóng truyền hình số. Việc tìm giải pháp phủ sóng truyền hình số cho các địa phương còn lại thuộc nhóm 2, nhóm 3 cần được các địa phương quyết định sớm. Tại phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình mặt đất đã quyết định, tại các trạm phát chính và những trạm phát lại ở những khu vực có mật độ dân cư lớn, số lượng người xem đông sẽ phủ sóng số mặt đất, tại các trạm phát lại công suất nhỏ, phạm vi phủ sóng hẹp, mật độ dân cư thưa thớt nếu dùng hệ thống phát sóng số mặt đất hiệu quả thấp sẽ sẽ chấp nhận số hóa bằng vệ tinh.

Tính đến thời điểm này, đã có 61/63 đài PT-TH địa phương đã phát sóng kênh truyền hình thiết yếu lên vệ tinh (chỉ còn Lai Châu và Kon Tum là chưa phát sóng lên vệ tinh). Câu hỏi đặt ra là truyền hình vệ tinh có vai trò như thế nào khi thực hiện số hóa truyền hình.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, với điều kiện địa hình như ở nước ta khả năng để phủ sóng truyền hình số mặt đất thay hoàn toàn tương tự mặt đất cả trạm chính và hàng trăm trạm phát lại là khó, vì hiệu quả đầu tư thấp, cho nên phải chấp nhận phương án dùng phủ sóng vệ tinh cho các vùng khó khăn.

Tuy nhiên việc phủ sóng truyền hình qua vệ tinh phải chấp nhận một số hạn chế như: Điều kiện thời tiết mưa ảnh hưởng tới thu xem, nhất là nước ta mùa mưa có lưu lượng mưa lớn. Thêm nữa là câu chuyện tràn sóng vì vấn đề bản quyền, VTV đã phải khóa kênh VTV2 và VTV3 trên vệ tinh vì phát qua vệ tinh sẽ bị vi phạm bản quyền với một số chương trình truyền hình. Các chương trình phim truyện, chương trình thể thao có bản quyền không phải tự do phát lên vệ tinh được.

Việc phủ sóng trên nhiều hạ tầng còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí của các đài PT-TH địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Vũ Anh, Giám đốc đài PT-TH Thái Nguyên, hiện vùng phủ sóng analog ở Thái Nguyên có 1 trạm phát chính và 7 trạm phát lại, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu khi số hóa truyền hình vùng phủ sóng truyền hình số phải ít nhất là bằng vùng phủ sóng analog thì không có doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng nào đáp ứng được. Hiện tại Công ty RTB đã lắp 1 trạm phát chính và sắp tới sẽ có thêm 1 trạm phát lại, nhưng để lắp thêm 5 trạm phát lại ở Thái Nguyên là không thể. Do đó, để giảm áp lực khi triển khai số hóa truyền hình cần đẩy nhanh hỗ trợ đầu thu vệ tinh tại những vùng chưa thể triển khai trạm phát sóng số mặt đất. Mặc dù phát sóng lên vệ tinh có nhiều phát sinh về bản quyền và một số vấn đề khác nhưng Thái Nguyên vẫn chọn để mở rộng vùng phủ sóng cho người dân.

VTC kiến nghị sớm hỗ trợ các tỉnh phát sóng lên vệ tinh

Theo bà Vũ Anh, chi phí để phát sóng 1 kênh truyền hình trên nhiều hạ tầng không phải là nhỏ. Hiện tại tỉnh Thái Nguyên đã cấp ngân sách cấp để đưa lên vệ tinh là trên 3 tỷ đồng/năm, phát sóng trên hạ tầng VTVcab mất 1 tỷ đồng/nữa. Đối với hạ tầng số mặt đất sẽ phải chi phí với mức 3 tỷ đồng phát SD, 7 tỷ đồng phát HD. Nếu phát trên cả 3 hạ tầng mà chuẩn SD cũng phải mất tầm 7 tỷ đồng/năm, chuẩn HD là 11 tỷ đồng/năm.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, vấn đề Thái Nguyên đặt ra cũng chính là câu hỏi mà nhiều tỉnh đang đặt ra. Nhiều tỉnh, trong đó có Phú Thọ, Ninh Bình đã nêu ra vấn đề nếu kênh thiết yếu của tỉnh đã lên vệ tinh rồi thì không cần phát sóng mặt đất nữa có được không? Tuy nhiên ông Hoan khẳng định, dù không lựa chọn phát sóng số mặt đất nhưng không có nghĩa là phủ sóng lên vệ tinh vẫn được duy trì hệ thống analog mặt đất. Hiện tại Nhà nước chưa có văn bản nào quy định các tỉnh bắt buộc phải phát sóng số mặt đất. Các tỉnh có thể truyền dẫn kênh thiết yếu trên hệ thống cáp hay vệ tinh do địa phương đánh giá mức độ cần thiết để phủ sóng cho người dân xem. Các tỉnh cần chủ động thống kê xem số lượng người dân đang xem truyền hình mặt đất trong tỉnh là bao nhiêu, từ đó địa phương quyết định một cách hợp lý.

“Việc lựa chọn phát sóng số trên hệ thống nào là do các địa phương chủ động quyết định, nhưng tới thời điểm theo lộ trình là phải ngừng phát sóng truyền hình analog”, ông Hoan nhấn mạnh.

Ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty VTC cho hay, các phương thức truyền dẫn có tính bổ trợ cho nhau, không thể loại trừ nhau được. Mục tiêu của Nhà nước là đến năm 2020 truyền hình số mặt đất sẽ chiếm tới 45% phương thức thu xem truyền hình, còn lại 55% còn lại là phương thức khác. Đến năm 2020 truyền hình số mặt đất đáp ứng 80% dân cư, nhà nước cũng chỉ tắt analog khi 95% dân thu xem truyền hình số với nhiều phương thức khác nhau. Do đó nếu độc thân truyền hình số mặt đất sẽ không thể đảm nhận hết khi thực hiện Đề án số hóa truyền hình.

Theo ông Hải, phát sóng kênh truyền hình quảng bá qua vệ tinh là phương thức quan trọng với các địa phương vùng sâu, vùng xa. Hiện nay dù nhà nước chưa có hỗ trợ nhưng hầu hết các tỉnh đã phát sóng kênh địa phương lên vệ tinh. Trên hệ thống truyền hình số vệ tinh của VTC hiện đang cung cấp 117 kênh truyền hình vệ tinh, nhưng VTC chỉ khóa mã 58 kênh, còn lại là các kênh phát không khóa mã trong đó có nhiều kênh địa phương, trước đây có rất nhiều tỉnh dân chỉ xem truyền hình qua vệ tinh.

Do đó, ông Hải kiến nghị, nhà nước cần sớm hỗ trợ truyền dẫn lên vệ tinh trước khi tắt truyền hình analog ở các tỉnh nhóm 2 và nhóm 3. Muốn hỗ trợ vệ tinh trước hết phải hỗ trợ phần phát sóng trước, hỗ trợ phần đầu thu cho người dân sau mà không nên làm ngược lại là hỗ trợ đầu thu trước, phát sóng sau được.

                                                                             Khôi Nguyên

Bình luận

Tin tức mới

Xem tất cả